Bài 67: Cõi trời theo Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa
CÕI TRỜI THEO KINH THÁNH
I. Trong Cựu Ước
Thuật từ “trời” šāmayīm [שָׁמַיִם] trong Cựu Ước được sử dụng với hàm ý chỉ đến : [1] một phần vũ trụ mà Thiên Chúa sáng tạo, [2] nơi Thiên Chúa ngự, và [3] nơi tuôn đổ những phúc lành của Thiên Chúa.
1. “Trời” là một phần vũ trụ mà Thiên Chúa sáng tạo
Thuật từ Híp-ri šāmayīm có nghĩa là trời, các tầng trời (x. St 1,8; G 22,12; Tv 89,30; Is 48,13; Gr 10,12), hoặc có thể hiểu là vòm trời (x. St 1,14.15.17.20), bầu trời (St 22,17; Xh 24,10; Et 4,17; G 35,5; Tv 113,6). Theo vũ trụ quan của dân Ít-ra-en xưa thì trời chỉ đến một cái vòm vững chắc mà Thiên Chúa đã làm ra để phân rẽ nước phía trên bầu trời với nước phía dưới bầu trời (x. St 1,7-8; Tv 148,4). Và trên cái vòm này, Thiên Chúa đặt để những chiếc cống trời, cổng trời, hay cửa trời có thể đóng mở để cung cấp nước cho phía dưới bầu trời (x. 2 V 7,2.19; Ml 3,10). Theo đó, chúng ta có thể hình dung các tầng trời giống như một cái bát úp ngược khổng lồ có nền móng chắc chắn (x. 2 Sm 22,8) và có các cột trụ khổng lồ chống đỡ (x. G 26,11). Cái vòm đó còn được Thiên Chúa trang điểm bằng mặt trời, mặt trăng và vô số vì sao (x. St 1,14-16). Với dân Ít-ra-en, vòm trời mà Thiên Chúa đã căng ra như một tấm màn trướng này đặc biệt vững chắc và không thể chuyển lay (x. Tv 148,6; Is 40,22; 44,24; 45,12). Tuy nhiên, vào thời sau hết, toàn thể vòm trời cũng sẽ bị cuốn đi (Kh 6,14) và bị phá hủy (x. Mt 5,18; 24,29; Mc 13,25).
2. “Trời” là nơi Thiên Chúa ngự
Trời còn có thể được hiểu là nơi Thiên Chúa ngự (x. Đnl 26,15; Tv 2,4). Trong tất cả các bối cảnh vũ trụ học, các tầng trời được coi là công trình của Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa đã căng chúng ra (x. Is 40,22; 44,24) và thiết lập nền tảng của chúng (x. 2 Sm 22,8). Theo đó trời là nơi thuộc về Thiên Chúa, là nơi ở của Chúa, còn đất thì Thiên Chúa ban cho con người làm nơi cư ngụ (x. St 1,26; Tv 8,6-10; 115,16).
Vì là Đấng ngự trên trời, nên Thiên Chúa còn có danh hiệu là:
+ “Thiên Chúa cửu trùng” [ʼĒl haššāmayīm] (x. Tv 136,26)
+ “Thiên Chúa các tầng trời” [ʼĒlōhê haššāmayīm] (x. Er 1,2; Nkm 1,4-5)
+ “Đức Chúa Trời” [ʼĒlāh šəmayyāʼ] (x. Đn 2,18-19.28.37.44)
Thiên Chúa đặt ngai của Người ở trên trời, vì thế ông Mô-sê sau khi được chiêm ngưỡng Thiên Chúa đã mô tả rằng “dưới chân Người như có nền lát bằng lam ngọc, trong vắt như chính bầu trời” (Xh 24,10), còn ngôn sứ I-sai-a thì công bố lời Thiên Chúa phán: “Trời là ngai của Ta, và đất là bệ dưới chân Ta” (Is 66,1). Trong khi đó, tác giả Thánh Vịnh 103 thì mô tả như sau: “Tầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng, điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không” (Tv 104,3). Ở đó, triều đình thiên quốc của Thiên Chúa hằng chầu chực bên Người (x. 1 V 22,19; Is 6,1-3). Thật vậy, ngôn sứ I-sai-a đã từng kể lại một thị kiến hẳn là ở trên trời, nơi ông được chiêm ngưỡng Thiên Chúa như sau:
Năm vua Út-di-gia-hu băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao ; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh : hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay. Các vị ấy đối đáp tung hô : “Thánh ! Thánh ! Chí Thánh ! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh ! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa !” (Is 6,1-3).
Ngoài ra, truyền thống Ít-ra-en cũng cố gắng diễn tả bằng nhiều cách khác nhau rằng Thiên Chúa, Đấng ngự trên các tầng trời cao thẳm cũng chính là Đức Chúa luôn hiện diện và hành động giữa dân Người trên mặt đất này. Vì thế, truyền thống Do-thái thường dùng cách mô tả việc Đức Chúa “xuống” trần gian để can thiệp vào công việc hay cuộc sống nhân loại. Chẳng hạn như khi con người ngạo mạn muốn xây tháp Ba-ben cao chọc trời thì :
ĐỨC CHÚA xuống xem thành và tháp con cái loài người đang xây. ĐỨC CHÚA phán : “Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. Nào ! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa” (x. St 11,5.7; Xh 19,18).
Hoặc mô tả việc Thiên Chúa “xuống” gặp ông Mô-sê ở trong lều Hội Ngộ:
Mỗi khi ông Mô-sê vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và ĐỨC CHÚA đàm đạo với ông Mô-sê. Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình. ĐỨC CHÚA đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau (x. Xh 33,9-11a).
Trình thuật tổ phụ Gia-cóp nằm chiêm bao thấy một chiếc thang nối trời và các thiên thần lên lên xuống xuống trên chiếc thang ấy, vì thế khi tỉnh giấc ông đã gọi nơi đó là cửa trời (x. St 28,17), và đã đặt tên cho nơi ấy là Bết Ên, nghĩa là “nhà của Thiên Chúa” (x. St 28,10-19).
Ngoài ra, khi nhấn mạnh trời là nơi Thiên Chúa ngự, thì Cựu Ước cũng muốn nhấn mạnh tính siêu việt của Thiên Chúa, nên Thiên Chúa cũng thường phán với dân của Người từ trời cao:
Từ trời, Người đã cho anh (em) nghe tiếng Người, để dạy dỗ anh (em); dưới đất, Người đã cho anh (em) thấy ngọn lửa lớn của Người, và anh (em) đã nghe các lời Người phán ra từ trong đám lửa (Đnl 4,36).
Với quan niệm về một vị Thiên Chúa siêu việt như thế, nên đối với người Ít-ra-en, Thiên Chúa không thể ngự trên đất vì đất không chứa nổi Người như lời trần tình của vua Sa-lô-môn: “Có thật Thiên Chúa cư ngụ dưới đất chăng ? Này, trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, huống chi ngôi nhà con đã xây đây !” (1 V 8,27). Tuy nhiên, một số tác giả Cựu Ước cho thấy rằng sự siêu việt không làm cho Thiên Chúa xa cách muôn loài thọ tạo, trái lại, Người không chỉ biết rõ mà còn chăm sóc tất cả công trình sáng tạo của Người (x. Gr 23,23-24; Tv 139,8-12).
3. “Trời” là nơi tuôn đổ phúc lành của Thiên Chúa
Vì Thiên Chúa ngự trên trời, nên dân Ít-ra-en khi cầu nguyện cũng ngước mắt lên trời như trông về nguồn ơn cứu độ và các phúc lành của Thiên Chúa (x. Đnl 33,13; 1 V 8,35). Thật vậy, Thiên Chúa đã thiết lập ân sủng và lời cứu độ của Người trên các tầng trời như lời các tác giả Thánh Vịnh ngợi khen rằng: “Vâng con nói : Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời” (Tv 88,3), hoặc: “Muôn lạy CHÚA, lời Ngài bền vững đến ngàn đời, trên cõi trời cao” (x. Tv 118,89).
Song song đó dân Ít-ra-en cũng mong mỏi ngày Thiên Chúa “xé các tầng trời” mà đem ơn cứu độ xuống trần gian (x. Is 45,8; 63,19), cũng như bày tỏ ước muốn rằng chính họ cũng sẽ được đưa lên trời, nơi mà họ sẽ tìm thấy ơn cứu độ hoàn hảo trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, và được ở với Chúa luôn (x. Tv 72,23-28) giống như các ông Kha-nốc (x. St 5,24) và ông Ê-li-a (x. 2 V 2,11). Như vậy, ơn cứu độ không chỉ là việc Thiên Chúa xuống trần gian, mà còn bao gồm cả việc con người được trở về với Thiên Chúa ở trên trời.
II. Trong Tân Ước
Theo Tân Ước thì ước muốn Thiên Chúa “xé trời và ngự xuống” (Is 63,19) đã được thực hiện khi Chúa Giê-su Ki-tô đến. Thật vậy, các Tin Mừng Nhất lãm cho biết khi Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ của Người qua việc chịu phép rửa ở sông Gio-đan, thì “các tầng trời mở ra” (x. Mt 3,16; Mc 1,9; Lc 3,21) để Thiên Chúa mặc khải Con của Người cho loài người (x. Mc 1,11; 9,7; 15,38-39).
Vì con người tự mình không thể lên trời để chiêm ngưỡng “mầu nhiệm ẩn giấu nơi Thiên Chúa” (x. Ep 3,9; Ga 1,18; 3,13; Rm 10,6), nên Thiên Chúa đã sai Con của Người đem mặc khải này đến trần gian: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (x. Mt 11,27; xt. Ga 1,19; 3,11; 14,9).
Quan niệm Cựu Ước về “chiếc thang” nối đất với trời (x. St 28,12) được thể hiện trọn vẹn nơi con người Đức Giê-su Ki-tô, đặc biệt qua lời Đức Giê-su nói với ông Na-tha-na-en:
Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người (Ga 1,51)
và hình ảnh mà Đức Giê-su đã nói với ông Ni-cô-đê-mô:
Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời (Ga 3,13-15).
Việc Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh và lên trời đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại, khi ước mơ “lên trời” của con người đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, nhân loại vẫn còn phải chờ cho đến ngày Chúa Ki-tô từ trời ngự đến lần thứ hai (x. Mc 14,62; Mt 25,31; 1 Tx 1,10; 4,16; 2 Tx 1,7) để tìm kiếm những kẻ thuộc về Người và bấy giờ những kẻ thuộc về Người sẽ được chính Người nâng lên tận mây trời (x. 1 Tx 4,17; Pl 1,23; 2 Cr 5,6-8) và đưa vào vương quốc của Chúa Cha (x. Mt 25,34; 1 Cr 15,24), vào thành Giê-ru-sa-lem mới (x. Kh 3,12; 21,3.10-14). Và như vậy, trời cũng sẽ là điểm đến cuối cùng của lịch sử, là sự kết thúc của lịch sử cứu độ, vì khi đó toàn bộ thế giới sẽ được biến đổi thành “trời mới, đất mới” (x. Is 65,17; Rm 8,19-23; 2 Pr 3,13; Kh 21,1), và đó cũng là lúc mà muôn loài muôn vật phải suy phục vương quyền của “Thiên Chúa các tầng trời” (x. 1 Cr 15,28).
Cầu nguyện bằng Thánh Vịnh 73
Thật con ở với Chúa luôn,
tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rời,
dắt dìu khuyên nhủ bao lời,
một mai đưa tới rạng ngời quang vinh.
Con còn ai chốn trời xanh ?
bên Ngài thế sự thật tình chẳng ham.
Dẫu cho hồn xác suy tàn,
thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con,
muôn đời là Chúa cao tôn.
Kìa ai xa Chúa, sẽ mai một hết,
những kẻ phụ Ngài, Ngài diệt cả đi.
Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa,
chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời (Tv 73,23-28).
bài liên quan mới nhất
- Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 92: Torah và Luật Lệ Do-Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 91: Tại sao gọi Chúa Giê-su là "Con Vua Đa-vít"? | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai -
Bài 89: Con Lạc đà chui qua Lỗ Kim | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 88: Nền tảng Kinh Thánh của lời kinh Mân Côi | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 86: Những lần tiên báo cuộc thương khó của Đức Giêsu | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 85: Thầy là Đấng Ki-tô | Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa